15 năm trước, ngày 1/4/2004, Sundar Pichai phỏng vấn xin việc tại Google, cùng ngày dịch vụ Gmail ra mắt, ngày đó ông nghĩ rằng Gmail chỉ là trò đùa cá tháng Tư mà Google tạo ra. 15 năm sau, Gmail là dịch vụ thư điện tử lớn nhất thế giới có 1,5 tỉ người dùng hàng tháng. Nó vẫn là miễn phí với người dùng cơ bản nhưng được coi là xương sống cho các sản phẩm doanh nghiệp mất phí khác của Google.

Gmail đem lại cho Google nhiều thứ hơn là sự thành công, bao gồm một sản phẩm hữu ích và phổ biến. Gmail đã mãi mãi thay đổi quỹ đạo của Google, nó là minh chứng cho việc Google có thể trở thành một công ty chiếm lĩnh nhiều thị trường chứ không chỉ riêng tìm kiếm (Google đi lên là công cụ tìm kiếm Internet). Một năm sau Gmail, công ty tiếp tục cho ra Google Maps, nó hiện là dịch vụ bản đồ nền web số 1 thế giới. Google cũng mua lại YouTube và Android, dịch vụ chia sẻ video lớn nhất thế giới và nền tảng di động hiện không ai vượt qua được. Google tạo ra Chrome, trình duyệt đã lấy ngôi vương mà IE, vốn là mặc định trên Windows, chiếm trong nhiều năm. Tất cả các dịch vụ đó đều có lượng người dùng hàng tháng đạt trên 1 tỉ. Riêng Android, cứ 9 trong tổng số 10 smartphone bán ra được cài OS này.

Theo Bob O’Donnel của Technalysis Research, Gmail cho thấy một bộ mặt khác của Google, bởi nếu nó thất bại, liệu Google có tiếp tục cho ra các sản phẩm khác (Chrome, YouTube, Maps...). Ngay cả người sáng lập Larry Page cũng thừa nhận Gmail là một ván bài với ông.
Gmail tròn 15 tuổi, là bệ phóng đưa Google vươn ra các lĩnh vực khác-2.jpeg
Giao diện Gmail năm 2004​

Gmail cũng đóng vai trò quan trọng trong lối suy nghĩ “gấp 10 lần” của Google (tạo ra, làm ra một sản phẩm tốt hơn, sáng tạo hơn gấp 10 lần đối thủ). Tính năng sáng tạo nhất của Gmail là gì? Đó chính là dung lượng 1GB miễn phí cho người dùng, một ưu đãi lớn gấp nhiều lần các dịch vụ email đối thủ. Lối suy nghĩ này cũng giúp Google tạo ra nhiều dự án khổng lồ khác như xe tự lái hay kính mắt thông minh, thành phố thông minh...

Việc trở thành một công ty phức tạp cũng khiến Google gặp nhiều vấn đề hơn. Gmail cũng không phải ngoại lệ. Năm ngoái, dịch vụ này phải đối mặt với scandal về tính riêng tư của dữ liệu người dùng khi nó được cho là cho phép một số nhà phát triển bên thứ 3 có thể xem email của người dùng. Cho dù sau đó Google nhấn mạnh về quyền riêng tư được họ đặt lên hàng đầu và chỉ khi người dùng cho phép thì các ứng dụng bên thứ 3 mới có thể đọc được email.

Với hàng tỉ người dùng thường xuyên và Gmail vẫn đang tiếp tục được Google bổ sung những tính năng mới. Ví dụ như khả năng hẹn giờ để email hiện lại sau, hay như khả năng mở file đính kèm bao gồm hình ảnh và PDF mà không phải mở Mail đó. Tuần trước Gmail nền web cũng có tính năng mới cho phép người dùng làm một khảo sát hay tìm khách sạn... ngay trong hộp thư đến.

Trong 15 năm tiếp theo ai biết Gmail sẽ như nào? Theo một nhà phân tích, ông dự đoán Gmail sẽ được tích hợp với các nền tảng khác như Asana hay Trello. Đó cũng là một cách để Gmail cạnh tranh với những dịch vụ liên lạc khác như Slack.

Nguồn: CNET​